Đau mắt

​Một số bệnh nhiễm khuẩn mắt thường gặp ở trẻ em

Cập nhật630
0
0 0 0

Bệnh nhiễm khuẩn mắt ở trẻ em không hiếm gặp, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với sức đề kháng kém trẻ thường có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn mắt nếu không được chăm sóc, phòng ngừa đúng cách.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ dàng mắc các chứng nhiễm khuẩn mắt với các dấu hiệu dễ dàng nhận biết như đau mắt đỏ, mắt đổ ghèn, sưng, tiết nước mắt thường xuyên… Cha mẹ cần nắm rõ một số dấu hiệu nhiễm khuẩn về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách xử trí khoa học để giảm thiểu những biến chứng, làm ảnh hưởng tới thị lực của trẻ

Một số dấu hiệu dễ nhận biết bệnh về mắt ở trẻ nhỏ

Phần lớn trẻ sơ sinh được sinh ra với đôi mắt khỏe mạnh. Các bé có thể phát hiện luồng ánh sáng ở gần mình. Trong những ngày đầu đời, bé chỉ nhìn được trong phạm vi 25cm và tầm nhìn của bé sẽ được tăng lên nhanh chóng. Ngay trong thời gian đầu tiếp xúc với con, mẹ có thể nhận ra dấu hiệu các bệnh về mắt như:
  • Mí mắt đỏ và bị đóng ghèn: Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng mắt
  • Hai mắt không phối hợp cùng nhau: Dấu hiệu rối loạn sự vận động của các cơ mắt
  • Con ngươi trắng: Cảnh báo ung thư vùng mắt hoặc đục thủy tinh thể
  • Chảy nước mắt nhiều: Dấu hiệu tắc tuyến lệ
Các bệnh nhiễm khuẩn mắt thường gặp ở trẻ nhỏ


Tắc tuyến lệ
Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng mắt đỏ, nhiều ghèn chính là do chướng ngại vật trong ống dẫn lệ của bé khiến nước mắt không thể chảy xuống và tắc nghẽn gây ra. Đây là một bệnh về mắt tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Mẹ có thể thường xuyên vuốt dọc sống mũi, từ điểm khởi đầu là khóe mắt của bé đến điểm kết thúc là hai lỗ mũi để giúp làm thông tuyến lệ.

Trong trường hợp bé bị tắc tuyến lệ nặng thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và đưa ra chỉ định thích hợp. Mẹ tuyệt đối không nên cho bé thông tuyến lệ ở những địa chỉ không uy tín và không chuyên về nhi khoa.

Viêm kết mạc và viêm giác mạc
Một trong những vấn đề về mắt mà trẻ sơ sinh thường gặp đó chính là viêm kết mạc và viêm giác mạc. Các triệu chứng thường gặp như mắt sưng đỏ, có ghèn vàng, mi mắt dính lại, khó nhắm mở, tiết nhiều nước mắt…thường bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh.

Nguyên nhân của các vấn đề trên có thể do: rách, xước giác mạc, dị vật tác động, hạt thóc, bỏng hoá chất… Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh mắt cho trẻ kém cũng làm gỉ mắt xuất hiện nhiều, để lâu ngày, rất dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

Tuy nhiên, đa phần các trường hợp trẻ bị viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc là do nhiễm một số loại vi khuẩn từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Chuyên gia chỉ ra 3 tác nhân thường gây nhiễm khuẩn mắt nhất là Neisseria gonorrhoea (vi trùng gây bệnh lậu), Chlamydia trachomatis (trùng roi) (bé có thể mắc phải hai tác nhân này trong khi sinh từ đường sinh dục của mẹ) và Staphylococcus aureus (mắc phải cả từ đường sinh dục mẹ hay sau khi sinh, từ người chăm sóc).

Những dấu hiệu này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực mắt trẻ, thậm chí dẫn tới mù lòa.

Viêm nhiễm mi mắt
Viêm mi mắt với biểu hiện viêm bờ mi, chảy nước mắt, mắt đỏ, có cảm giác sạn trong mắt, ngứa và sưng đỏ mí mắt, bong da quanh mắt, cặn lông mi khi tỉnh dậy, nhạy cảm với ánh sáng, lông mi mọc bất thường, rụng lông mi.

Nguyên nhân thường do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, dị ứng. Riêng bệnh viêm mí mắt ngoài đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt, sử dụng thuốc đúng chỉ định còn chú ý vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch tránh tái lây nhiễm vi khuẩn.

Trẻ sơ sinh bị lẹo mắt
Lẹo mắt hay chắp mắt ở trẻ sơ sinh là một loại mụn nhỏ mọc ở bờ mi mắt hay dưới chân lông mi do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi bị nhiễm trùng. Lẹo mắt thường xuất hiện, rồi biến mất sau khi điều trị nhưng rất dễ tái phát lại nếu không được điều trị dứt điểm dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào nhiều thời điểm trong năm. Đau mắt đỏ có tỷ lệ biến chứng khoảng 20% chủ yếu là viêm giác mạc. Nguyên nhân là do vi khuẩn và virus gây ra. Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có những biểu hiện: Sưng nề, dử mắt ra nhiều, mắt đỏ, xuất huyết dưới kết mạc, chảy nước mắt…

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua môi trường, sự tiếp xúc gần, tia bọt bắn ra lúc nói chuyện… Vệ sinh cẩn thận là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan. Nếu để lâu có thể dẫn đến biến chứng vĩnh viễn cho mắt.

Một số cách chăm sóc và phòng ngừa mắt tránh nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ

Nhúng bông gòn sạch vào nước muối ấm, vệ sinh mắt cho bé, lau thật nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt ra đuôi mắt. Một ngày vệ sinh mắt cho bé 2-3 lần hoặc lau nhẹ bất cứ khi nào ghèn xuất hiện.

Giúp mắt bé ngưng gỉ ghèn, massage vùng mắt tiết ghèn cho bé cũng rất hữu ích. Dùng đầu ngón tay út day nhẹ vùng phía dưới đầu mắt bé. Mỗi ngày day khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 1-2 phút.

Ngoài ra, để tránh các bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh, bạn nên rửa mặt cho trẻ sơ sinh (kéo dài đến hết 6 tháng tuổi) bằng nước đun sôi để nguội, lau mắt bằng nước ấm với lượng muối pha loãng. Giặt khăn mặt của trẻ phơi ngoài nắng, không dùng khăn mặt của bé để vệ sinh các vùng cơ thể khác.

Đôi mắt là “báu vật” của mỗi con người nên ta phải nâng niu và giữ gìn sức khỏe cho đôi mắt. Đối với trẻ sơ sinh, để bảo vệ và chăm sóc mắt, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra mắt con xem có biểu hiện gì bất thường hay không, trang trí phòng của bé bằng một đèn ngủ hoặc đèn mờ, sắp xếp và trưng bày đồ chơi yêu thích trong tầm nhìn của bé, kích thích mắt bé hoạt động nhiều bằng việc trò chuyện với bé và liên tục thay đổi vị trí, để bé đảo mắt tìm mẹ…

Khi thấy mắt trẻ có các dấu hiệu như thị lực kém, mắt lác, tắc tuyến lệ… cần đưa trẻ đến bác sỹ nhãn khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
NguồnBV Mắt Sài Gòn
Lượt xem27/08/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng